Bản thân tôi và các bạn đại học cùng khóa của tôi là những sinh viên được đào tạo chính quy ngành tiếng Trung Quốc sư phạm,ănglươngkhôngngănđượcchảymáuchấtxámgiảngviêgiá bia heineken trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nếu nghĩ theo cách thông thường thì tốt nghiệp cử nhân hệ sư phạm thì sẽ làm giảng viên, giáo viên. Nhưng thực tế không phải như vậy. Cả lớp đại học của tôi chỉ có hai người được làm đúng nghề, còn lại đều phải làm trái nghề như phiên dịch, kinh doanh, xuất khẩu lao động, nhân sự, biên tập viên...
Không phải chúng tôi không thích làm nghề giáo mà phần lớn là chúng tôi không xin về được các trường để làm giảng viên, giáo viên. Bởi lẽ, muốn xin vào được các trường đều phải có mối quan hệ với người của trường đó giới thiệu, đề cử.
Nếu chỉ xem thông tin tuyển dụng mà đăng ký thi tuyển vào viên chức với chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên thì khả năng thi đỗ vào các trường công lập là rất hiếm.
Lý do dễ hiểu là các vị trí tuyển dụng đều đã có sẵn người đang làm hợp đồng ở trong trường, khi tổ chức thi tuyển thì những người lạ ở bên ngoài không có mối quan hệ gì thì làm sao có nhiều lợi thế bằng những người đã làm hợp đồng nhiều năm ở trong trường. Nếu chỉ là cử nhân thì khó xin việc cũng là bình thường.
Tuy nhiên, có những trường hợp bạn tôi là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không thể xin được vào giảng dạy ở các trường công lập. Hoặc có người là tiến sĩ nhưng xin về trường công lập làm giảng viên, hiệu trưởng đồng ý nhận nhưng trưởng bộ môn không đồng ý nhận với lý do bộ môn không cần đến tiến sĩ dạy, thạc sĩ dạy là đủ rồi.
Bộ môn không gửi giấy đề xuất xin người lên Phòng Tổ chức cán bộ nên hiệu trưởng không dám quyết đưa tiến sĩ về bộ môn, đành đưa về phòng ban làm chuyên viên.
Những câu chuyện buồn như thế này đều là những câu chuyện có thật đang xảy ra trong thực tế. Ngành Giáo dục cứ trăn trở về vấn đề giáo viên bỏ nghề trong khi rất nhiều thế hệ sinh viên được đào tạo chính quy hệ sư phạm lại không có cơ hội được làm đúng nghề đào tạo, phải làm trái ngành.
Thậm chí là mất bao nhiêu năm học lên thạc sĩ, tiến sĩ với mong muốn làm nghề giáo nhưng rồi cũng phải làm trái ngành, không được đứng trên bục giảng, không phát huy được năng lực, không sử dụng được những kiến thức đã được học vào công việc, tiến sĩ cũng chỉ bố trí làm chuyên viên ở phòng ban.
Nhiều bạn bè của tôi dù rất yêu nghề giáo không được làm đúng nghề nên đã lựa chọn ngoài làm công tác chuyên môn ở cơ quan ra, xin đi dạy thỉnh giảng ở các trường ngoài công lập để vừa được làm công việc mình yêu thích vừa có thêm thu nhập lo cho gia đình.
Nhiều người sẽ hỏi tại sao chúng tôi không xin ra trường ngoài công lập hay doanh nghiệp làm việc cho thoải mái, thu nhập cao? Không phải ai cũng có thể chuyển sang trường ngoài công lập, không phải ai cũng có điều kiện lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với mong muốn, nhất là phụ nữ đã có gia đình có quá nhiều gánh gặng con cái trên vai. Vấn đề mà tôi đề cập ở đây là cơ chế ở trường công lập hiện nay chưa thực sự tạo cơ hội cho tất cả mọi người được vào làm việc.
Trong mấy năm gần đây, tình trạng giáo viên, giảng viên ở các trường công lập xin chuyển công tác sang trường ngoài công lập, hoặc doanh nghiệp đang diễn ra thường xuyên tại nhiều trường trên cả nước.
Đây có thể được coi là thời gian "chảy máu chất xám" cực mạnh của nhiều trường công lập hiện nay, kể cả các trường đã được tự chủ. Lựa chọn của nhiều giảng viên, giáo viên sau khi rời trường công lập là làm việc ở các trường ngoài công lập, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hoặc mở công ty riêng.
Nguyên nhân của vấn đề này có rất nhiều và ai cũng biết như chế độ lương, thưởng chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, công việc phải chịu áp lực lớn từ học sinh, sinh viên, phụ huynh, nhà trường và cả xã hội... Tuy nhiên, còn có một số nguyên nhân khác vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay chưa thể giải quyết được.
Thứ nhất,cơ chế ở trường công lập chưa thực sự tạo cơ hội cho tất cả mọi người được vào làm việc như đã nói ở trên.
Thứ hai,môi trường làm việc ở trường công lập chưa hiện đại, thiếu chuyên nghiệp, không công bằng.
Có một nghịch lý vẫn xảy ra trong thực tế là nhiều khi thạc sĩ xin việc dễ hơn tiến sĩ, bởi có những người lãnh đạo sợ nhận tiến sĩ về sẽ có nguy cơ cạnh tranh vị trí lãnh đạo trong bộ môn, khoa của họ.
Thực tế có thể nhiều hiệu trưởng trường công lập rất cần tuyển tiến sĩ về để đủ chỉ tiêu mở mã ngành đào tạo nhưng lãnh đạo khoa, bộ môn có những nơi không thực sự đón chào người có trình độ tiến sĩ.
Dù có nhận về cũng không cho họ có cơ hội phát triển thực sự, làm bao nhiêu việc khó khăn cũng không có cơ hội cống hiến và thăng tiến, không được đánh giá và ghi nhận đúng thành quả công việc, không được tôn trọng.
Để khắc phục trình trạng lương thấp, nhà giáo bỏ nghề, thiếu giáo viên, giảng viên trầm trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới để tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Tôi nghĩ, vấn đề thu nhập thấp chưa phải là lý do quan trọng nhất khiến nhiều người xin nghỉ việc. Bản thân đã đi làm 20 năm, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất để tôi muốn gắn bó với cơ quan chính là môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, công bằng, tạo cơ hội cho người có năng lực được phát triển, được đánh giá đúng thành quả công việc, được tôn trọng.
Còn thu nhập thấp vẫn có thể khắc phục bằng cách làm thêm các công việc khác ngoài giờ hành chính như nhận tài liệu về dịch buổi tối, đi dạy ở trung tâm, dạy thỉnh giảng ở các trường ngoài công lập, viết báo, bán hàng online...
Nếu ngành giáo dục muốn giữ chân giảng viên, giáo viên gắn bó với nghề thì cải cách tiền lương thôi chưa đủ mà vấn đề có tính cốt lõi trong việc tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, giáo viên gắn bó với nhà trường đó là môi trường làm việc.
Môi trường làm việc mà nhiều cán bộ, giảng viên, giáo viên các trường công lập mong muốn bao gồm sự đúng đắn trong giải quyết những nhu cầu về thu nhập (đảm bảo mức sống thích đáng), điều kiện cơ sở vật chất làm việc, sự an toàn - ổn định, cơ hội cống hiến và thăng tiến, được đánh giá và ghi nhận đúng thành quả công việc, sự tôn trọng và về cơ chế bảo đảm khi gặp rủi ro.
Nếu các trường công lập không giải quyết được các vấn đề này thì dù trả lương cao hơn nữa cũng khó giữ chân được cán bộ, giảng viên, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tình trạng "chảy máu chất xám" sẽ vẫn tiếp diễn.
Giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, giữ chân giảng viên, giáo viên ở các trường công lập thì chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên; đổi mới chính sách về tiền lương, thu nhập tạo lập môi trường làm việc hấp dẫn, tăng tính ràng buộc giữa Nhà trường với viên chức, người lao động; các Nhà trường xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, công bằng, có chính sách thu hút, khuyến khích người tài được xem là những giải pháp cần thiết để có thể đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" trong các trường công lập hiện nay.
Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố then chốt, bảo đảm sự thành công của các các trường và ngành giáo dục. Do vậy, để hoàn thành trọng trách của mình, các trường và ngành giáo dục không thể xem nhẹ hiện tượng "chảy máu xất chám".
Sớm tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng này là việc làm quan trọng, cần thiết và thường xuyên mà các trường và ngành Giáo dục chú ý, nhất là trong bối cảnh có sự cạnh tranh rất "khốc liệt" về nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay.
Tôi thầm mong ước rằng trong tương lai gần, sẽ có nhiều giải pháp ngăn chặn hiện tượng "chảy máu xất chám", để những sinh viên tốt nghiệp hệ sư phạm chính quy có cơ hội được làm đúng nghề, để những người đang làm giảng viên, giáo viên có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm nghề khác hay phải chuyển công tác sang đơn vị ngoài công lập như hiện nay, để những người đang làm trong ngành giáo dục có tâm huyết, có động lực gắn bó với nghề.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.